Một ngày đầu thu bốn năm trước,âukhởinghiệptừmónăntrịbệnhcủamẹchồscript bà Đặng Thị Kim Phúc, nguyên hiệu phó trường THCS Phúc Yên (Vĩnh Phúc) bất ngờ phát hiện mình bị ung thư giai đoạn ba.
Người đầu tiên được bác sĩ thông báo bệnh của bà là con dâu Hoàng Thị Thùy Linh. "Hôm đó mẹ tôi mới qua sinh nhật tuổi 58 được một ngày. Lúc biết kết quả tôi sốc và thương mẹ vô cùng", chị Linh (28 tuổi) kể.
Khi bà Phúc bị bệnh, cả gia đình quyết định sẽ đồng hành với bà để chiến đấu với ung thư. Linh đề nghị với chồng chuyển cả gia đình về sống cùng ông bà để tiện chăm sóc mẹ. Ông Phạm Việt Trung (bố chồng Linh) cũng giao lại công ty cho con trai, lui về lo chạy chữa cho vợ.
Sau nhiều năm làm việc văn phòng, thể lực của bà Kim Phúc không thể chịu đựng nổi mỗi tuần năm mũi xạ trị và một đợt truyền hóa chất. Chỉ trong tuần đầu tiên thuốc vào bà đã quỵ hẳn. "Mẹ yếu đến độ ngồi xe lăn đi lại mà tôi phải giữ đầu không bị gục xuống", Linh kể.
Biết gạo lứt là sản phẩm lành tính, đi viện thấy người nhà bệnh nhân truyền tai gạo lứt rất tốt cho bệnh nhân ung thư, Linh đun thành cháo lấy nước cho mẹ uống. Ngày đó bà Phúc duy trì sự sống bằng truyền dịch, thi thoảng thèm quá uống thêm được vài hớp nước cơm, chứ không thể ăn uống gì khác. "Một ngày tôi chợt nghĩ nếu chỉ uống nước cơm sẽ không thể đảm bảo dinh dưỡng, nên nảy ra ý tưởng đưa thêm các loại hạt vào", Linh nói.
Bố chồng Linh vốn là một kỹ sư thiết kế nhưng đam mê công nghệ thực phẩm nên khi nghe con dâu gợi ý, ông tìm mua các loại hạt macca, óc chó, hạt điều, sachi để kết hợp với gạo lứt. Sản phẩm đầu tiên là bột gạo lứt nghiền mịn, quấy chín, rồi pha thêm bột hạt. Tuy nhiên món này rất khó ăn, bà Phúc gần như không nuốt nổi.
Với thể trạng của bà Phúc, nếu không được củng cố sẽ rất khó đủ sức khỏe tiếp tục lộ trình điều trị đều đặn, một khi gián đoạn sẽ không đạt hiệu quả, trường hợp phải sử dụng đến thuốc kích cầu để đủ chỉ số điều trị sẽ gây đau đớn. Nghĩ đến những tình huống đó, bố con ông Trung càng lo.
"Ngày đêm chúng tôi nghĩ phải tìm ra thứ nào để cho bà xã ăn được mà không cần nhai", ông Trung kể.
Những ngày vợ con đi viện cũng là những ngày ông không ngồi yên. Từ khoa Ung bướu (Bệnh viện đa khoa Phúc Yên, Vĩnh Phúc), đến Viện Dinh dưỡng quốc gia hay Viện Di truyền nông nghiệp, ông đều đến gặp các y bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia lúa gạo để học hỏi kinh nghiệm.
Mỗi cuối tuần từ viện về, Linh lại đưa bố đi đến các gia đình bệnh nhân ung thư vẫn khỏe sau 5-10 năm để xin kinh nghiệm sinh hoạt và ăn uống của họ. Đêm đến, cô thức đọc sách báo liên quan đến ung thư, tiểu đường để tìm những thông tin hữu ích. Còn ông Trung sang cả Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản để tham khảo công nghệ làm sữa hạt của họ.
Một bước ngoặt đã xuất hiện khi qua một số người quen, ông Trung kết nối được với một giáo sư người Pháp và một số chuyên gia lúa gạo Việt Nam, qua đó biết được cách tách dầu và kết hợp các loại hạt sao cho tự ức chế nhau sinh ra chất bảo quản tự nhiên, không cần thêm hương liệu hay phụ gia. Đặc biệt, ông biết đến loại gạo lứt xanh, tức gạo thu hoạch khi lúa chín già khoảng 85% cho hàm lượng vi chất và khoáng chất cao nhất, đồng thời có vị dễ chịu hơn.
Qua hàng chục lần thử nghiệm, hơn một tháng sau khi bà Phúc hóa trị, hai bố con đã làm ra sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên là sữa gạo lứt kết hợp các loại hạt có vị gần gũi với nước cơm. Với món này, bà Phúc đã thấy dễ uống hơn và chọn làm thức ăn hàng ngày. Sau hơn một tháng sử dụng sữa gạo lứt liên tục, thể lực khá hơn, bà ngồi dậy được, tự sinh hoạt cá nhân, thậm chí có thể đi từ nhà trọ vào bệnh viện. Lúc này bà ngưng truyền dịch, chỉ uống 3-4 lần sữa gạo lứt mỗi ngày và bổ sung thêm nước hoa quả.
Suốt lộ trình 5 lần vào hóa chất và 25 mũi xạ (hơn bốn tháng) không bị gián đoạn ngày nào. Với các chỉ số ổn định, bà được chuyển sang 5 đợt xạ áp sát, tức xạ liều cao nhằm khống chế hoàn toàn tế bào ung thư. Đến cuối năm 2019 bà được xuất viện, từ đó chỉ phải tái khám ba tháng một lần.
"Sự hồi phục của tôi khiến rất nhiều người tò mò, hỏi thăm về loại sữa gạo mà chồng con làm cho tôi uống hàng ngày", bà Kim Phúc, 62 tuổi, nói.
Gia đình quyết định đưa sản phẩm ra thị trường. Trong khi họ đang làm hồ sơ tham gia OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) thì được Sở Nông nghiệp và Hội Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc chú ý. Gia đình được mời tham gia hội chợ tại Lào Cai vào tháng 9/2020. Lần đầu tiên sản phẩm đến tay khách hàng đã nhận về những phản hồi tích cực ngoài mong đợi.
"Nếu chỉ nhìn qua sẽ ít ai lựa chọn sữa của chúng tôi vì thương hiệu hoàn toàn mới, nhưng khi thử, khách rất khen và lựa chọn mua nhiều", Linh chia sẻ.
Ông Phùng Xuân Tiến, Phó chánh văn phòng điều phối chương trình Nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã nhận thấy sản phẩm của gia đình Thùy Linh áp dụng công nghệ cao và chất lượng tốt nên hỗ trợ tham gia OCOP và mang quảng bá ở nhiều hội chợ.
Các sản phẩm của gia đình đã được công nhận OCOP bốn sao và Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2022 của Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Năm 2021, họ đạt doanh thu 2,7 tỷ đồng, năm nay dự kiến sẽ đạt 5,7 tỷ đồng.
Ngày 14/10 tại Hà Nội, dự án sữa gạo lứt của gia đình Hoàng Thị Thùy Linh đã vượt qua hơn 2.000 hồ sơ trên khắp cả nước, giành giải đặc biệt cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa".
Trong ngày vui, Thùy Linh cảm ơn mẹ chồng đã truyền cảm hứng cho mình khởi nghiệp.
"Biến cố mẹ bị ung thư những tưởng là án tử, nhưng thực sự là một lần tái sinh. Gia đình tôi càng thêm đồng lòng, trân trọng và yêu thương nhau hơn", nàng dâu quê Vĩnh Phúc nói.
Phan Dương